Brazil là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và Brazil cũng là nước tiêu thụ cà phê thứ 2 thế giới sau Mỹ. Với 2,3 triệu hecta chiếm gần 40% tổng sản lượng thế giới, phần lớn nằm ở Minas Gerais, Sao Paulo và Parana, nơi có khí hậu và nhiệt độ lý tưởng cho việc sản xuất cà phê.
Phòng Thương mại Nông nghiệp Sao Paulo (ATO) dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Brazil mùa vụ 2014/15 khoảng 32,38 triệu bao, giảm 1 triệu bao so với mùa vụ trước. Theo báo cáo thị trường cà phê của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) tháng 3/2014, tổng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2013 ước đạt 145,8 triệu bao, tăng 3,8 triệu bao so với năm 2012.Brazil đã xuất khẩu 23,4 triệu bao cà phê trong hơn 8 tháng đầu năm 2015 - doanh thu tăng 1% đạt 4,08 tỷ USD, theo báo cáo của Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (CeCafe). Mỹ là nước nhập khẩu cà phê Brazil lớn nhất với 22% tổng sản lượng nhập khẩu, tiếp theo là Đức với 19%; Ý là 8% và Nhật là 7%.
Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới
Nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới là Việt Nam. Ngành cà phê Việt Nam tăng trưởng ở mức cao trong vòng 3 năm qua. Năm 2014, diện tích trồng cà phê là 653 ngàn hecta, tăng 2,7% so với năm 2013. Sản lượng mùa vụ năm 2013/14 đạt gần 1,7 triệu tấn, chủ yếu là cà phê robusta. Các tỉnh trồng cà phê nhiều nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông. Cà phê Việt Nam đa phần được xuất khẩu.
Trong 7 tháng năm 2013/2014 đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê các loại (cà phê nhân, rang, xay và cà phê hòa tan) với kim ngạch khoảng 2,2 tỷ USD, đạt mức kỷ lục mới về xuất khẩu cà phê, và xuất khẩu sang 70 quốc gia trên thế giới. Trong mùa vụ 2013/2014, Đức đã vượt lên trên Mỹ để trở thành nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Với lượng nhập khẩu tăng mạnh, Bỉ trở thành thị trường lớn thứ ba của Việt Nam. Xuất khẩu mùa vụ 2013/14 khoảng 55.000 tấn, tăng 21% so với mùa vụ trước, với các thị trường chính là Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Theo số liệu phân tích từ Global Trade Atlas (GTA), Tổng cục hải quan và các doanh nghiệp trong nước, trong 6 tháng đầu niên vụ 2014/2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 657 tấn tương đương 10,95 triệu bao, giảm 24,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Colombia là nước sản xuất cà phê đứng thứ 3 thế giới sau Brazil và Việt Nam, nhưng là nhà sản xuất cà phê arabica lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Colombia cho biết nước này đã sản xuất 1,46 triệu bao loại 60 kg/bao cà phê arabia trong tháng 7, tăng 18% so với một năm trước. Xuất khẩu cũng tăng 35% lên 1,2 triệu bao.
Liên đoàn ước tính Colombia sẽ đạt 12,5 đến 13 triệu bao trong năm 2015. Sản lượng cà phê Indonesia tháng 9/2014 dự báo ở mức 11,2 triệu bao, cao hơn so với mức 10,87 triệu bao ước tính năm 2012-2013 do các đồn điền tại Java, Sumatra và phía Đông Indonesia bắt đầu cho thu hoạch. Indonesia là nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới sau Việt Nam. Trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê, Indonesia là nước tiêu thụ lớn thứ hai sau Brazil. Indonesia tiêu thụ 4,16 triệu bao cà phê trong năm 2013-2014, bằng 1/3 sản lượng sản xuất, cao hơn so với 3,2 triệu bao ước tính trong tháng 10/2012. ICO ước tính tiêu thụ cà phê của Indonesia năm 2015 đạt 3,667 triệu bao. Tháng 6/2015, xuất khẩu robusta từ Indonesia tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2014. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2015-16, Indonesia có thể đạt 9,3 triệu bao trong đó có chừng 1,6 triệu bao arabica. Ngoài các quốc gia trên còn có các nước được xếp thứ tự trong 10 quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Ethiopia, Ấn Độ, Honduras, Mexico, Uganda, Guatemala.
10 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới
1. Brazil - tổng sản lượng: 2.859.502 tấn/năm.
2. Việt Nam - tổng sản lượng: 1.818.811 tấn/năm.
3. Colombia - tổng sản lượng: 892.871 tấn/năm.
4. Indonesia - tổng sản lượng: 814.629 tấn/năm.
5. Ethiopia - tổng sản lượng: 423.287 tấn/năm.
6. Ấn Độ - tổng sản lượng: 385.786 tấn/năm.
7. Honduras - tổng sản lượng: 380.296 tấn/năm.
8. Uganda - tổng sản lượng: 314.489 tấn/năm.
9. Mexico - tổng sản lượng: 257.940 tấn/năm.
10. Guatemala - tổng sản lượng: 224.871 tấn/năm.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự đoán sẽ tăng 25% trong 5 năm tới, theo ICO. Cụ thể sẽ tăng lên 175,8 triệu bao vào năm 2020 so với 141,6 triệu bao (60kg/bao) năm 2015. Theo Bloomberg tại Truste - Italia, việc tăng tiêu thụ cà phê, đặc biệt là tại các nước mới nổi, khiến các nhà sản xuất phải tăng sản lượng thêm từ 40 - 50 triệu bao trong thập kỷ tới. Số lượng này nhiều hơn tổng thu hoạch cà phê của Brazil trong một vụ. Cộng thêm mối đe dọa từ việc biến đổi khí hậu và giá cà phê đang ở mức thấp như hiện nay sẽ không khuyến khích các nhà sản xuất cà phê tăng sản lượng. Tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ hiện tại dự đoán giảm xuống 141 triệu bao từ 146,7 triệu bao năm ngoái, chủ yếu do tác động của hạn hán tại Brazil và bệnh gỉ sắt tại Trung Mỹ. Mối lo ngại về thời tiết đang gây thêm bất ổn về sản lượng cà phê của Brazil.
Cơ quan mùa vụ Conab của Brazil dự đoán sản lượng cà phê của nước này năm nay chỉ đạt 44,1 - 46,6 triệu bao. Tuy nhiên, Hội đồng cà phê quốc gia Brazil lại cho rằng sản lượng thu hoạch thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt 40 triệu bao. Tình hình thời tiết khô hạn đang diễn biến phức tạp tại Brazil, nhất là tại các vùng trồng cà phê chủ chốt. Sản lượng cà phê của các nước khác như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia sẽ không đủ để ổn định thị trường trong năm tới, bà Judith Ganes Chase, Giám đốc công ty tư vấn hàng hóa J. Ganes Consulting LLC cho biết. Kết quả là tồn kho cà phê toàn cầu có thể giảm 4 triệu bao trong năm bắt đầu từ 1/10.
Các nước nhập khẩu cà phê nhiều nhất thế giới Tập đoàn Hanns R. Neumann Stiftung dự báo, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 30%, lên mức 200 triệu bao vào năm 2030. Trong lúc đó, thu hoạch cà phê thế giới ước đạt 144 triệu bao, trong tương lai sẽ có thể tăng và có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, hướng tới cân đối thị trường vào năm 2030. Tuy nhiên khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào việc các nhà sản xuất nhỏ có tăng được năng suất hay không. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới công bố hồi tháng 5/2015, biến đổi khí hậu đang đe dọa tới khoảng 25% sản xuất cà phê của Brazil và các nhà sản xuất của Nicaragua, El Salvador và Mexico đang phải đối mặt với khả năng thua lỗ nặng với việc thay đổi khí hậu. Các khu vực sản xuất cà phê có thể sẽ phải chuyển từ Trung Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương hoặc Đông Phi, nơi việc trồng cà phê có thể được tiến hành ở vĩ độ cao hơn.
Trần Nguyễn (Tổng hợp)