TÓM TẮT: Xuất khẩu cà phê trong những năm vừa qua vẫn được xem là ngành “xương sống”, đóng góp lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc thiếu thương hiệu lớn, thiếu quy trình sản xuất chế biến đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu tại các nước nhập khẩu đang là những rào cản lớn trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Từ những nghiên cứu ban đầu về tình hình xuất khẩu cà phê trong những năm vừa qua, nhóm tác giả chỉ ra những khó khăn trong quá trình xuất khẩu cà phê, từ đó gợi ý những chính sách đẩy mạnh phát triển xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Từ khóa: Xuất khẩu cà phê, Việt Nam, thách thức, khó khăn.

1. Giới thiệu

Tăng trưởng, phát triển nông nghiệp luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước ta trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Nông nghiệp nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định đặc biệt là sự phát triển của cà phê, cây trồng được xem là “xương sống” cho doanh thu cho ngành Cà phê. Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê Việt Nam đạt trên 664.000 ha, sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm; cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã công bố nước ta xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Ngành Cà phê Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê. Theo Đề án phát triển ngành Cà phê bền vững đến năm 2020, sẽ có khoảng 80% sản lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay nước ngoài, không qua khâu trung gian. Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam.

2. Thực trạng xuất khẩu cà phê trong giai đoạn 2010 – 2018

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến năm 2018, mỗi năm trung bình nước ta xuất khẩu khoảng hơn 1.500 nghìn tấn cà phê xuất khẩu, giá trị trung bình xuất khẩu rơi vào khoảng trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trị giá sản lượng xuất khẩu cà phê nước ta tăng giảm không đồng đều, từ năm 2010 đến năm 2012, giá trị xuất khẩu cà phê ở nước ta tăng liên tục từ 1,76 tỷ USD năm 2010 lên tới 3,68 tỷ USD vào năm 2012. Theo VICOFA, trong thời điểm này diện tích và sản lượng cà phê không có biến động mạnh, cả nước có trên 140 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có máy móc hoặc cơ quan đại diện ở Việt Nam và khoảng 4 doanh nghiệp hàng đầu cà phê ở Việt Nam là TCT Cà phê Việt Nam, Cà phê 2/9, XNK Intimex, và Tập đoàn Thái Hòa. Đây là thời điểm mà ngành Cà phê Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực cà phê rang xay, chế biến hòa tan như Nestlé, Vinacafe Biên Hòa, Cà phê Trung Nguyên. Năm 2015 là năm ngành Cà phê bị tác động bởi biến đổi khí hậu khiến năng suất, chất lượng cà phê giảm. Niên vụ 2014 – 2015, sản lượng cà phê giảm khoảng 26% so với niên vụ trước. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, hạn hán nghiêm trọng trong thời kỳ cà phê phát triển, mưa đến sớm khi thu hoạch, cà phê ra hoa không tập trung. Nhằm cải tạo diện tích cây cà phê già cỗi và vườn cà phê có năng suất thấp 1,5 tấn/ha, theo Đề án Tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2014 đến năm 2020, diện tích tái canh cây cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên là 120 nghìn ha. Tuy nhiên cho đến nay, công tác tái canh tại các địa phương trên diễn ra chậm, chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra tại Đề án. Đến năm 2017, xuất khẩu cà phê đạt 1,44 triệu tấn với kim ngạch 3,244 tỷ USD, giảm 19% về lượng và 2,7% về kim ngạch so với năm 2016. Giá cà phê thế giới cũng như giá cà phê tại thị trường trong nước biến động đảo chiều liên tục với biên độ hẹp nhưng nhìn chung vẫn giữ xu hướng tăng, giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2017 đạt 2.250 USD/tấn, tăng mạnh 20,1% so với năm 2016. Mới đây nhất theo số liệu của Bộ Công Thương vừa công bố thì năm 2018 xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 1,882 triệu tấn trị giá 3,544 tỷ USD tăng 20,1% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với năm 2017, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018/19 giảm khoảng 20% so với dự kiến trước đó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu năm 2018 và diện tích trồng cà phê giảm khoảng 6% trong năm 2017 và năm 2018 do chuyển đổi cây trồng (Bộ Công Thương, 2018).

Số lượng và giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2018

 

Theo số liệu của tổng kê của Tổng cục Hải quan thì EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước; đạt 749.231 tấn, trị giá 1,34 tỷ USD, so với năm 2017 tăng 19,1% về lượng nhưng giảm 1,5% về kim ngạch. Trong khối EU, xuất khẩu sang Đức nhiều nhất chiếm trên 34%, đạt 260.475 tấn, tương đương 459,03 triệu USD; xuất sang Italia chiếm 18%, đạt 136.157 tấn, tương đương 245,25 triệu USD; xuất sang Tây Ban Nha chiếm 16%, đạt 122.063 tấn, tương đương 219,22 triệu USD. Tiếp theo đó là thị trường Đông Nam Á chiếm 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước; đạt 243.270 tấn, trị giá 467,38 triệu USD, tăng mạnh 102,5% về lượng và tăng 71,3% về giá trị so với năm 2017 (Bộ Công Thương, 2018). Nhìn chung, cà phê xuất khẩu trong năm 2018 sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2017; trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường sau: Indonesia tăng 343,6% về lượng và tăng 273,3% về kim ngạch, đạt 62.320 tấn, tương đương 123,55 triệu USD; Nam Phi tăng 145% về lượng và tăng 109% về kim ngạch, đạt 10.073 tấn, tương đương 17,3 triệu USD; Hy Lạp tăng 139,5% về lượng và tăng 96,4% về kim ngạch, đạt 13.646 tấn, tương đương 23,82 triệu USD; NewZealand tăng 124% về lượng và tăng 78% về kim ngạch, đạt 2.253 tấn, tương đương 4,2 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sụt giảm mạnh ở các thị trường như: Thụy Sỹ giảm 47,5% về lượng và giảm 51% về kim ngạch, đạt 244 tấn, tương đương 0,49 triệu USD; xuất sang Singapore cũng giảm 40% về lượng và giảm 50,7% về kim ngạch, đạt 1.263 tấn, tương đương 3,55 triệu USD; Mexico giảm 7% về lượng và giảm 24% về kim ngạch, đạt 33.406 tấn, tương đương 55,9 triệu USD (Bộ Công thương, 2018) Bảng: Thị trường xuất khẩu cà phê năm 2018

Thị trường Năm 2018 +/- so với năm 2017 (%)*
Lượng (tấn) Trị giá (USD) Lượng Trị giá
Tổng kim ngạch 1.878.278 3.537.535.962 30,25 9,04
Đức 260.475 459.031.259 16,98 -3,67
Mỹ 182.576 340.221.901 -0,07 -16,31
Italía 136.157 245.253.945 8,55 -9,66
Tây Ban Nha 122.063 219.217.377 19,88 -0,77
Nhật Bản 105.119 206.000.470 17,16 -1,8
Nga 90.418 185.765.363 97,35 59,14
Philippines 82.656 158.670.722 58,08 42,64
Algeria 74.120 132.478.045 38,75 15,21
Bỉ 75.129 130.825.543 16,06 -4,59
Indonesia 62.320 123.553.997 343,59 273,31
Thái Lan 59.800 109.972.102 94,37 51,23
Trung Quốc 44.282 109.540.270 58 29,12
Ấn Độ 58.019 95.691.744 35,67 12,05
Anh 53.794 95.650.636 52,4 20,6
Hàn Quốc 32.379 70.151.724 -7,77 -14,67
Malaysia 36.809 69.098.812 80,14 48,91
Pháp 39.194 67.735.998 18,02 -1,68
Mexico 33.406 55.897.095 -6,98 -23,95
Australia 20.435 39.469.787 72,84 38,34
Ba Lan 14.284 33.815.898 20,09 4,84
Bồ Đào Nha 17.051 30.444.293 37,99 14,19
Hy Lạp 13.646 23.822.679 139,53 96,42
Israel 8.969 22.820.544 38,54 6,6
Hà Lan 10.620 21.874.974 0,48 -14,09
Ai Cập 12.649 21.845.475 49,2 26,95
Nam Phi 10.073 17.300.971 144,97 109,02
Romania 4.427 12.559.760 8,13 4,37
Canada 5.458 10.610.283 -3 -19,38
Đan Mạch 2.391 4.328.230 100,25 64,87
New Zealand 2.253 4.197.013 123,96 78,08
Singapore 1.263 3.552.121 -40 -50,67
Campuchia 422 2.533.949 -17,42 19,04
Thụy Sỹ 244 489.853 -47,53 -51,08
Nguồn:Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Tuy xuất khẩu khẩu năm 2018 tăng so với năm 2017 nhưng nhìn chung mặt hàng cà phê của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều vấn đề trở ngại như ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, chi phí vận chuyển có nhiều biến động, xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam chiếm tới 90%, trong khi tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị gia tăng cao chỉ mới chiếm 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, chưa tạo ra chuỗi sản xuất sâu. Theo theo ý kiến từ các chuyên gia, nếu tính theo giá xuất khẩu tại cảng Việt Nam thì mỗi tấn cà phê hiện chỉ có giá trên dưới 40 triệu đồng, trong khi nếu chế biên sâu sẽ có giá trị gia tăng cao nhất từ 70 - 100 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa quan tâm tới các quy trình bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ, bao bì, sản phẩm và cả thương hiệu dẫn đến rất nhiều thiệt thòi khi xuất khẩu cà phê vào các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới.

3. Một số giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam

Thứ nhất: Cần nâng cao chất lượng cà phê ở khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu như kỹ thuật trồng trọt và thu hái chưa tốt, tình trạng thu hái đồng loạt cả quả xanh, quả non còn khá phổ biến; cơ sở vật chất phục vụ sơ chế bảo quản cà phê còn thiếu thốn; cơ chế giá thu mua cà phê tươi chưa khuyến khích người sản xuất quan tâm đến chất lượng, nhất là khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại. Chính vì vậy, cần triển khai những biện pháp đồng bộ như thu hút các doanh nghiệp chế biến cà phê đầu tư vào các vùng trồng cây cà phê trọng điểm, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn trong khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại. Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài về vốn, khoa học công nghệ để xây dựng các nhà máy chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

Thứ hai: Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam

Xu hướng người tiêu dùng trên thế giới luôn sử dụng các sản phẩm có thương hiệu và các chỉ dẫn địa lý như thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuật. Trong khi dựa vào đánh giá mới đây của Bộ Công Thương thì mặc dù là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc, nhưng rất ít người dân nước này biết đến thương hiệu cà phê Việt Nam, hoặc một số ít người tiêu dùng biết rất ít đến một vài thương hiệu cà phê Việt Nam. Chính vì vậy cần phải tích cực đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu. Bộ Khoa học và Công nghệ nên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia và sau đó lựa chọn doanh nghiệp để triển khai thực hiện; Khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới.

Thứ ba: Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị

Liên kết chuỗi trong cà phê hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém như: tổ chức của nông dân từ các tổ, nhóm hay hợp tác xã còn yếu; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê chủ yếu thu mua qua trung gian; sản xuất không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế thu mua, phân loại chưa tạo động lực cho nông dân cải thiện chất lượng cà phê trong thu hái, sơ chế. Để đẩy mạnh sự liên kết thì cần phải tăng cường triển khai các dự án chia sẻ, chuyển giao kiến thức tại vùng thực địa. Mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghê thông tin, đẩy mạnh truyền thông để gắn kết 4 nhà: Nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nước với mục đích khi nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, có đầu ra, thị trường ổn định; Doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng được thương hiệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm khi có vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn; Chính phủ cần phát triển bền vững ngành hàng cà phê thành ngành hàng nông sản chủ lực.

Thứ tư: Đẩy mạnh tiến độ tái canh cây cà phê

Theo tính toán của WASI (2017) thì có khoảng 198.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam chiếm 30,8% tổng diện tích. Có khoảng 79.000 ha cà phê già cỗi đã được tái canh trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2016. Như vậy trong những năm tới, hơn 120.000 ha diện tích cà phê già cỗi cần chuyển đổi hoặc trồng thay thế hoàn toàn và cần phải có khoảng 140.000 - 160.000 ha già cỗi trên 20 năm tuổi phát sinh do trồng thêm vào giai đoạn 1996 đến 2006 (Trương Hồng, 2019). Có khoảng 87% diện tích cà phê Việt Nam được trồng từ trước năm 2000. Theo tính toán của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (2017) thì diện tích cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam (tính đến năm 2016) có khoảng 198.000 ha chiếm 30,8% tổng diện tích. Trong vòng 7 năm trở lại đây (2010 - 2016), đã có khoảng 79.000 ha cà phê già cỗi đã được tái canh. Như vậy, diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế hoặc chuyển đổi trong những năm tới hơn 120.000 ha. Trong 5-10 năm tiếp theo (2017 - 2026) sẽ có khoảng 140.000 - 160.000 ha già cỗi trên 20 năm tuổi phát sinh do trồng vào giai đoạn 1996 đến 2006. Đây sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam đối với việc tiếp tục đảm bảo sản lượng và giữ vững vị thế xuất khẩu nhưng cũng là cơ hội đề nước ta nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới WASI (2017). Để giải quyết vấn đề này cần giúp nông dân tiếp cận được các loại giống cây trồng mới trên sơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước dưới sự động viên khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ năm: Vận dụng nông nghiệp 4.0 vào trong nuôi trồng và phát triển cây cà phê

Nông nghiệp 4.0 là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng. Nông nghiệp 4.0 giúp tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong các điều kiện không được thuận lợi. Điều này, giúp làm tăng chất lượng sản phẩm của cà phê Việt Nam. Việc đưa nông nghiệp 4.0 vào trong nuôi trồng và phát triển cây cà phê cần lựa chọn các công nghệ phù hợp, gắn với trình độ dân trí cũng như năng lực kinh tế - xã hội của từng địa phương, tạo ra những chuỗi giá trị cao cho sản phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tô Kim Hồng (2016), Sự biến động giá và khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam xuất khẩu trên thị trường thế giới, Văn Hiến University Journal of Science .
  2. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê cả nước các năm 2010; 2014; 2016; 2018.
  3. Bộ Công Thương, Báo cáo về xuất nhập khẩu năm 2018.
  4. Tổng cục Hải quan Việt Nam, thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2018.
  5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Đề án Phát triển ngành Cà phê bền vững đến năm 2020, Hà Nội (2014).
  6. Trương Hồng (2019), Diện tích cà phê già cỗi Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
CURRENT CHALLENGES TO VIETNAM’S COFFEE EXPORTS NGUYEN THI LAI University of Economics and Law Ph.D. DO THI MY HIEN College of Foreign Economic Relation ABSTRACT: In recent years, coffee has been Vietnam's important agricultural export product, greatly contributing to the total export turnover of Vietnam’s agricultural exports. However, the lack of well-known trademarks for Vietnamese coffee products and standardized processing and manufacturing processes is major barrier to Vietnam's coffee exports. Based on previous researches about the situation of Vienam’s coffee exports, this article presents the difficulties in Vietnam’s coffee exports, thereby proposing policy recommendations to promote the country’s coffee exports in the future.